Giá cà phê nhân xô tuần qua tiếp tục tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục hơn 128.000 đồng một kg, vượt xa mức giá cùng kỳ các năm trước.
Ghi nhận tại các tỉnh Tây Nguyên, ngày 28/11, giá cà phê tiếp tục tăng thêm 4.000 đồng, vượt 28.000 đồng một kg. Đăk Lăk và Đăk Nông ghi nhận mức giá cao nhất 28.200 đồng một kg, tăng 13% so với tuần trước và 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Hạnh, nông dân sở hữu gần 2 ha cà phê ở Đăk Lăk, cho biết chưa bao giờ giá cà phê cao như vậy. Ngay từ đầu vụ, giá đã tăng mạnh và thương lái thường xuyên vào hỏi mua cà phê tươi từ 23.000-26.000 đồng một kg.
"Tôi bán tươi một phần, còn giữ lại để phơi, chờ giá tăng cao hơn sẽ bán nhân", bà Hạnh nói.
Tương tự, ông Thuật ở Kon Tum cho biết năm nay không chỉ năng suất cà phê tăng 5% mà giá cũng đã cao hơn 70%, giúp gia đình ông dự tính thu khoảng 600 triệu đồng một ha.
"Năm nay, giá cà phê tăng ngay từ đầu vụ thu hoạch, điều này trái ngược với các năm trước khi giá thường giảm và chỉ tăng vào cuối vụ", ông nói thêm.
Cà phê tại vườn nhà ông Thuật ở Kon Tum đang vào vụ thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Hải
Lý giải về sự tăng giá này, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho hay nguồn cung loại hạt này năm nay thấp do tình trạng chuyển đổi cây trồng của nông dân và sản lượng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, khô hạn. Đồng thời, nguồn cung sản phẩm này từ các quốc gia sản xuất lớn như Brazil giảm trong niên vụ tới, khiến giá cà phê quốc tế tăng, kéo theo giá trong nước cũng đi lên.
Các cuộc xung đột trên thế giới cũng là yếu tố tác động mạnh, khiến giá nhiều mặt hàng tăng, trong đó có cà phê. Thị trường dòng robusta cũng chịu áp lực lớn vì nguồn cung khan hiếm.
Việt Nam - nhà sản xuất robusta lớn nhất thế giới - ghi nhận xuất khẩu mặt hàng này tháng 10 giảm 11,6% so với tháng trước và giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Mưa lớn tại các vùng trồng cà phê đã gây chậm trễ thu hoạch, trong khi sản lượng robusta niên vụ 2023-2024 giảm 20%, mức giảm mạnh nhất trong 4 năm qua, đẩy giá robusta lên cao.
Dự báo niên vụ 2024-2025, sản lượng cà phê toàn cầu sẽ đạt hơn 169 triệu bao, thấp hơn nhu cầu tiêu thụ 171 triệu bao. Tại Việt Nam, tình hình sản xuất loại quả này đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có hiện tượng La Nina có thể ảnh hưởng đến thu hoạch. Nông dân không vội bán ra do đã có thu nhập ổn định từ các cây trồng khác như sầu riêng và hồ tiêu. Tại Brazil, nắng nóng kéo dài cũng gây khó khăn cho sản xuất và dự báo mất mùa ở vụ tới.
Các chuyên gia ngành cho biết vụ mùa năm sau ở Brazil có thể giảm mạnh do ảnh hưởng của hạn hán đầu năm, khi độ ẩm trong đất vẫn còn thấp dù có mưa gần đây. Cùng với đó, các vấn đề về logistics tại Brazil cũng đang gây khó khăn cho xuất khẩu.
Thi Hà
Kommentare